1. Tại sao thiết kế nhân vật lại quan trọng:
1.1. Ấn tượng đầu tiên:
Trước khi công chiếu một tác phẩm (Phim ảnh, hoạt hình, truyện tranh,...), trailer và poster sẽ được tung ra đầu tiên. Nội dung được gói gọn lại và rất mơ hồ. Vì vậy điều khiến khán giả dễ để ý và đánh giá nhất chính là nhân vật (đặc biệt là truyện tranh).
1.2. Tăng độ nhận diện tác phẩm:
Khi xem một tác phẩm, đồng nghĩa mình sẽ được xem câu chuyện về các nhân vật. Ngoại hình nhân vật được thiết kế càng đặc sắc và có nét riêng, bộ phim càng dễ gây được ấn tượng mạnh và lâu dài.
1.3. Giúp truyền tải nội dung về nhân vật và cốt truyện:
Chúng ta thường vô thức đánh giá mọi thứ qua vẻ bề ngoài. Thế nên người sáng tạo sẽ luôn chú trọng ngoại hình nhân vật có tính cách đặc biệt. Để người xem có thể dễ dàng phân biệt. Ngoài ra sẽ có những nhân vật mang ngoại hình trái với tính cách bên trong. Đó sẽ là những nhân tố đặc biệt để tạo nên độ bất ngờ, bẻ lái cho nội dung thêm phần khó đoán.
1.4. Tăng doanh thu:
Ngoài lợi nhuận thu được từ tác phẩm chính. Poster, tượng nhân vật, thẻ bài, quần áo,... cũng là một khoảng thu không hề nhỏ. Đặc biệt là Nhật Bản, làm rất tốt khâu này. Khi nhân vật càng nổi tiếng và càng dễ nhận diện. Các sản phẩm có in ấn, thiết kế theo ngoại hình của nhân vật nổi tiếng sẽ trở nên đắt giá và nhiều người mua hàng hơn. Ví dụ như nhân vật Doraemon, Naruto, Pikachu, …
2. Quy trình thiết kế một nhân vật:
2.1. Lên ý tưởng cách thiết kế một nhân vật:
Thường thì có ba cách để xây dựng lên một nhân vật hoàn chỉnh:
- Một là: Phát triển cốt truyện trước, nhân vật được sinh ra sau. Nhân vật được thiết kế dựa trên yêu cầu của cốt truyện. Tùy hoàn cảnh diễn biến mà từng nhân vật được sinh ra và bổ sung.
- Hai là: Hình tượng, hình ảnh nhân vật xuất hiện trước. Sau đó cốt truyện sẽ được xây dựng dựa trên các nhân vật. Lúc này các nhân vật và tình tiết được sắp xếp sao cho hợp lý.
- Ba là: Mọi thứ đều mơ hồ và khá tùy hứng. Cái gì nảy ra trong đầu thì nắm bắt lại. Sau đó thì sắp xếp mọi thứ một cách logic nhất.
Lúc này nhân vật vẫn chỉ là ý tưởng ở trong đầu và được viết theo suy nghĩ trên văn bản. (Có thể phác thảo nháp ở bước này). Sau khi có sự thống nhất chung về nhân vật và bối cảnh. Ta tiến đến thiết kế chi tiết ngoại hình và tính cách, cách hoạt động nhân vật thông qua các bản vẽ.
2.2. Nắm bắt tính chất cơ bản của nhân vật:
- Tạo dựng màu sắc đặc trưng cho nhân vật:
Mỗi người chúng ta ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu riêng biệt. Chính điều đó một phần tạo nên màu sắc riêng cho mỗi cá nhân, không ai giống ai. Nhân vật cũng vậy.
- Phân tích chi tiết nhân vật:
Dựa trên hình hài và câu chuyện ta đã thống nhất trước đó. Phân tích chi tiết nhân vật bằng cách đặt nhân vật vào các hoàn cảnh cụ thể. Phân biệt được đâu là chất riêng và đâu là điểm mạnh, yếu mà nhân vật có thể linh hoạt thay đổi.
- Từ hai điều cốt lõi trên ta sẽ quyết định tính cách, tư duy, hành động và ngoại hình của nhân vật. Từ đó ta tiến tới phác thảo các hình ảnh, ý tưởng ra giấy.
2.3. Phác Thảo:
a. Phác thảo từ hình khối cơ bản:
Nếu là các nhân vật đậm chất hoạt hình Cartoon, Disney, Pixar,... thì bước này vô cùng quan trọng.
Ở đây mình sẽ nói sơ qua tại sao các hình khối lại quan trọng nhé. Nếu ai từng học các khóa Sketching hẳn sẽ hiểu rằng, tất cả mọi vật thể khi được tối giản nhất có thể đều quy về các hình khối như hình tròn ( hình cầu), hình vuông (hình lập phương), hình chữ nhật (Hình trụ), hình tam giác ( hình chóp nón hay kim tự tháp),...
Và mỗi một hình đều sẽ mang những tính chất và cảm giác riêng. Hình tròn sẽ mang cảm giác an toàn, hình vuông ( hình chữ nhật) mang cảm giác khó di dời, hình tam giác tạo cảm giác gai góc (do có các góc nhọn). Từ đó mà các nhà làm phim, truyện, hoạt hình đã nắm bắt. Giúp quá trình kể chuyện trơn tru hơn.
Tùy tính cách, tư duy mà ta sẽ chọn các hình khối phù hợp với nhân vật.
>>> Xem thêm: Tập làm quen với nét và hình khối để vẽ nhân vật hoạt hình <<<
b. Phác thảo ngoại hình:
- Sau khi đã có các hình khối, ta sẽ phác thảo từ cơ bản đến chi tiết.
Nên phác thảo nhiều góc độ, biểu cảm trên từng nhân vật. Việc phác thảo nhiều sẽ giúp ta dễ hình dung chi tiết nhân vật trong các hoàn cảnh hơn. Đồng thời nếu có dựng thành 3D thì việc vẽ nhiều góc độ sẽ giảm tải nhầm lẫn và sai lệch.
- Không nên chú trọng sạch đẹp, đúng sai:
Ở bước này chỉ là cái nhìn tổng quan về ý tưởng. Không nên mất thời gian tỉ mỉ quá nhiều về chi tiết. Thay vào đó hãy cho nhân vật thử nhiều trang phục, phụ kiện khác nhau. Thử nhiều ngoại hình và biểu cảm khác nhau.
2.4. Line, lên màu:
- Line:
Bước này thì khá đơn giản. Sau khi chốt được bản phác thảo ưng ý thì đi nét lại cho rõ ràng, sạch đẹp thôi.
- Lên màu:
- Chọn màu:
Ở bước chọn màu, tùy thuộc vào đặc điểm nhân vật mà chọn. Nhân vật ảm đạm thường có tông màu trầm và từ trên xuống một màu. Còn nhân vật có tính cách sôi nổi thường mang nhiều màu sắc, bắt mắt.
Ở Giai đoạn thử màu cũng như bước sketch (phác thảo). Không cần quá tỉ mỉ. Thử nhiều lần để chọn ra tông màu ưng mắt nhất.
- Đổ bóng:
Sau khi có được tông màu, ta nên đổ bóng để tạo chiều sâu và độ tương phản. Phần màu của bóng đổ tùy thuộc và bối cảnh lúc đó. Đa phần là dùng màu tương phản hoặc màu gốc nhưng thay đổi sắc độ.
2.5. Đối chiếu, chỉnh sửa:
- Đối chiếu:
Nên đối chiếu lại một lần từ tổng quan đến chi tiết trước khi cho ra sản phẩm hoàn thiện. Vì khi nhân vật được dựng thành 3D, và đưa vào các cảnh quay, animation thì rất khó thay đổi.
- Chỉnh sửa
Sau khi kiểm tra lại lần cuối, hãy chỉnh sửa những sai sót thật cẩn thận. Hãy làm việc nhóm nếu đây là dự án chung. Nếu chỉnh sửa quá phức tạp, thì hãy làm lại từ bước một sẽ nhanh hơn.
3. Tạm Kết Về Thiết Kế Nhân Vật:
Trên đây là quy trình chung và cơ bản nhất khi thiết kế một nhân vật. Tùy mỗi cá nhân, tập thể, tổ chức mà sẽ có sự điều chỉnh và khác biệt. Có thể tham khảo thêm các khóa học tại Digiart Academy để hiểu rõ và phát triển chuyên sâu hơn nhé!