KIẾN THỨC

HỌA SĨ TỰ DO VÀ HỌA NÔ - XU HƯỚNG CỦA GIỚI TRẺ TRONG 2024 PHẦN 1

  • 24/01/2024
  • 1569

Họa sĩ tự do hay "họa nô" là người sở hữu mức thu nhập cao hơn? Cơ hội phát triển nào dành cho họ? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. HỌA NÔ LÀ GÌ?

       Trong giới họa sĩ, người ta dùng từ "họa nô" để gọi vui những người vẽ tranh theo hợp đồng, điều này có nghĩa rằng họ là những người "làm công ăn lương" để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật dựa trên yêu cầu và ý tưởng cụ thể từ phía quản lý hoặc khách hàng của họ.

       Khi trở thành một họa nô, bạn phải chấp nhận một sự thật rằng không phải tất cả tác phẩm của bạn đều được duyệt, cho dù bạn đã dành hàng giờ để phác thảo và vẽ chúng. Bạn sẽ phải vẽ lại từ đầu, thậm chí có thể phải thay đổi hoàn toàn phong cách và hướng tiếp cận của mình để phù hợp với yêu cầu của quản lý hay khách hàng. Đây không chỉ là một phần công việc mà còn là một quá trình học hỏi, thích nghi và phát triển không ngừng mà mỗi họa nô phải trải qua để trở thành một nghệ sĩ vẽ tranh chuyên nghiệp.

2. SO SÁNH HỌA SĨ VÀ HỌA NÔ

2.1. Thu nhập

       Thu nhập của họa nô thường dựa vào dự án và hợp đồng cụ thể cũng như là kinh nghiệm làm việc. Mức lương trung bình mà họa nô nhận được là 9.000.000 VND (9 triệu đồng)/tháng. Đặc biệt, theo chia sẻ của giảng viên Trần Quang Phùng (giảng viên khóa vẽ Game của Digiart Academy, Art Director tại Monster Box), mức lương trung bình của một họa nô trong thị trường này thậm chí có thể lên tới 1000$/tháng. Cũng như bao ngành nghề khác, thu nhập của họa nô dựa vào bằng cấp, kinh nghiệm và khả năng deal lương lúc phỏng vấn của họ. Nếu bạn vừa có kinh nghiệm, vừa có khả năng đàm phán thì mức thu nhập trên 1000$ là không khó để đạt được. 

       Thu nhập của họa sĩ tự do thường có được từ triển lãm, bán tranh vẽ, tiền bản quyền và NFT. Thu nhập của họa sĩ thường không cố định, do công việc của một họa sĩ tự do khá linh hoạt, họ dành rất nhiều thời gian để tìm cảm hứng, lên ý tưởng và sáng tạo ra tác phẩm. Và chỉ khi tác phẩm hoàn tất, họ mới có thể dùng nó để kiếm thêm thu nhập. Thời gian hoàn thành tác phẩm của một họa sĩ tự do là rất linh hoạt, có người mất cả năm trời mới có thể sáng tạo ra một tác phẩm. Thu nhập trung bình của một họa sĩ có thể là 10.000.000 VND (10 triệu đồng) hoặc có thể cao hơn rất nhiều, nhất là hiện nay, có rất nhiều sàn thương mại nơi họa sĩ có thể bán tác phẩm của họ. 

       Có thể kể đến thị trường NFT - Non-Fungible Token) được hiểu là token không thể thay thế - một dạng vật phẩm ảo được xác thực bằng công nghệ Blockchain. Công nghệ này sử dụng chữ ký số để xác nhận tác phẩm gốc và người sở hữu tác phẩm. Nhờ đặc tính này, NFT trở thành loại tài sản độc nhất vô nhị, không thể sao chép hay làm nhái, vì vậy bức tranh do người họa sĩ vẽ nên sẽ được mua lại với giá rất cao. Bức tranh NFT đắt nhất thế giới cho đến hiện tại là bức tranh The Merge, được tạo ra bởi họa sĩ Murat Pak. Đây là bộ sưu tập kỷ niệm quá trình chuyển đổi của Ethereum từ cơ chế đồng thuận Proof-of-Work sang Proof-of-Stake, bức tranh này đã thu về hơn 91,8 triệu đô la (hơn 2,000 tỷ VND) trong đợt bán hàng ngắn ngủi 48 giờ. Điều này khiến The Merge không chỉ trở thành bộ sưu tập NFT đắt nhất từng được bán mà còn là tác phẩm nghệ thuật đắt nhất được một nghệ sĩ còn sống bán trong đợt đấu giá công khai. Bức tranh được chia nhỏ ra rất nhiều phần và được bán với giá 575 USD (hơn 14 triệu VND) cho mỗi phần.

Một phần nhỏ của bức tranh The Merge (Cre: Penta)
Một phần nhỏ của bức tranh The Merge (Nguồn: Penta)

 

2.2. Cơ hội phát triển

       Họa sĩ và họa nô phát triển sự nghiệp dựa trên những phương pháp sáng tạo và môi trường làm việc khác nhau.

       Họa nô thường làm việc dựa trên hợp đồng hoặc các dự án cụ thể, họ sáng tạo tác phẩm theo yêu cầu và hướng dẫn từ phía quản lý hoặc khách hàng. Dù có ít cơ hội để phát triển phong cách cá nhân nhưng họa nô lại có thể nhận được thu nhập ổn định và cơ hội phát triển kỹ năng, kinh nghiệm qua việc thực hiện các dự án đa dạng. Sự linh hoạt và khả năng thích ứng với những nhu cầu khác nhau của khách hàng có thể giúp họa nô mở rộng kinh nghiệm và tăng cơ hội làm việc trong các dự án lớn hơn, cũng như xây dựng mạng lưới quan hệ rộng rãi ở mọi lĩnh vực. 

       Nhắc đến một trong những họa nô thành công nhất, chúng ta không thể không nhắc đến Todd McFarlane - một trong những nhà sáng lập Image Comics. Ông được biết đến là một họa sĩ vẽ truyện tranh nổi tiếng với một loạt tác phẩm như Spider-Man, Spawn, và Hulk. Trước khi sáng lập ra công ty của riêng mình, Todd McFarlane từng là một họa nô đích thực khi là họa sĩ vẽ tranh minh họa của Marvel. Ông đã gửi hơn 700 tác phẩm của mình cho nhiều biên tập viên khác nhau cũng như Marvel và DC, và như bao họa nô khác, chúng đều bị từ chối trước khi Todd McFarlane có được công việc thực sự đầu tiên trong ngành vẽ truyện tranh. Để rồi bây giờ, ông đã có một "gia tài" siêu anh hùng vô cùng đồ sộ và một công ty của riêng mình.

       Trong khi đó, sự nghiệp của họa sĩ tự do thường được xây dựng dựa trên việc phát triển phong cách cá nhân và sự sáng tạo của họ. Họa sĩ tự do có cơ hội lớn để thể hiện sự sáng tạo vô hạn, từ việc lựa chọn chủ đề, phong cách, đến chất liệu sử dụng trong tác phẩm. Điều này không chỉ giúp họ phát triển phong cách cá nhân mạnh mẽ mà còn có cơ hội để kết nối với khán giả qua các triển lãm, workshop hay bán tác phẩm trực tuyến. Sự nổi tiếng và uy tín trong giới nghệ thuật cũng là yếu tố quan trọng giúp họa sĩ tự do có cơ hội kiếm được thu nhập cao từ việc bán tác phẩm, tiền bản quyền, và thậm chí là việc bán tranh NFT.

       Họa sĩ có những phong cách sáng tạo không giống nhau, thậm chí có những người mang trong mình chất "nghệ" rất độc đáo. Ở Việt Nam, chắc hẳn bạn đã từng nghe qua biệt danh "họa sĩ điên" Đoàn Nguyên. Bức tranh của anh rất sáng tạo và có phong cách vẽ rất độc đáo, rất "điên", vừa thể hiện được sự hoang dã của một con người yêu tự do, vừa thể hiện được sự quyến rũ, chất "nghệ" rất riêng của một người họa sĩ. Các tác phẩm của Đoàn Nguyên không phải ai cũng có thể mua được, bởi anh bán tranh dựa vào cảm xúc chứ không phải dựa vào giá cả. Người "họa sĩ điên" từng chia sẻ: "Một đơn vị đã liên lạc với tôi muốn ký hợp đồng và quản lý tất cả số tranh sau này của kẻ điên này vẽ ra và yêu cầu tôi không được đăng lên mạng. Việc này rất khó đối với tôi vì tôi là kẻ sống tự do, không thích tiếp xúc với thế giới bên ngoài, có cảm xúc mới vẽ, không thích vẽ thì uống rượu ngủ, sống tự do tự tại, làm nghệ thuật tôi không muốn bị công ty quản lý” (Nguồn: baophapluat).

Tác phẩm của "Họa sĩ điên" Đoàn Nguyên

       

       Có thể thấy, cả họa sĩ và họa nô đều có những cơ hội và thách thức riêng trong sự nghiệp nghệ thuật của họ. Sự khác biệt chính giữa hai nhóm người này nằm ở sự tự do sáng tạo và khả năng kiểm soát công việc của mình, cũng như ở mức độ mà họ có thể ảnh hưởng đến thị trường nghệ thuật và tệp khách hàng. 

      Vậy họa sĩ và họa nô sẽ có những rủi ro nào? Xu hướng của giới trẻ trong năm 2024 và lời khuyên của Digiart Academy trong việc lựa chọn lĩnh vực họa sĩ hay họa nô là gì? Các bạn hãy chờ đón những thông tin này trong bài viết HỌA SĨ VÀ HỌA NÔ - XU HƯỚNG CỦA GIỚI TRẺ TRONG 2024 PHẦN 2 nhé!