KIẾN THỨC

Hệ màu CMYK, Hệ màu RGB và màu Pantone là gì?

  • 28/12/2022
  • 3740

Trong thiết kế đồ họa, tư duy hệ màu là khái niệm rất quan trọng. Đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế in ấn, việc phân biệt và hiểu rõ các hệ màu là yếu tố cơ bản mà Designer phải nắm bắt. Trong đó 3 hệ màu phổ biến và được sử dụng rộng rãi chính là hệ màu RGB, hệ màu CMYK và màu Pantone (PSM). Chúng là gì và có gì khác nhau? Hãy cùng Digiart Academy tìm hiểu ngay nhé!

1. Những hệ màu cơ bản

Hiện nay, RGb và CMYK là 2 hệ màu được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất. Cả hai đều là những mô hình màu, đại diện cho tập hợp những không gian màu mà mắt thường có thể nhìn thấy được.

1.1. Hệ màu RGB

a. Khái niệm

RGB là từ viết tắt tiếng Anh của cơ chế hệ màu cộng. Hệ màu này thường được sử dụng để hiển thị màu trên màn hình TV, monitor máy tính, camera kỹ thuật số, một số thiết bị điện tử khác,... Nó bao gồm các màu sắc sau:

  • R = Red (đỏ).
  • G = Green (xanh lá).
  • B = Blue (xanh dương).

he-mau-cmyk

b. Nguyên lý hoạt động

Nguyên lý làm việc của hệ màu RGB là phát xạ ánh sáng, hay còn gọi là mô hình ánh sáng bổ sung. Các màu được sinh ra từ hệ màu RGB sẽ sáng hơn các màu gốc. Nó hoạt động ngược lại với nguyên lý của hệ CMYK.

c. Ví dụ:

Khi TV tắt, màn hình hiện màu tối đen. Còn khi bạn bật nó lên, sẽ thấy các điểm màu đỏ, xanh dương, xanh lá, cùng với hiệu ứng tích lũy màu trắng để phát ra ánh sáng và hình ảnh.

d. Ứng dụng

Hệ màu RGB được sử dụng trong thiết kế các vật thể, ấn phẩm hiển thị trên màn hình, máy tính, điện thoại và những thiết bị điện tử khác.

1.2. Hệ màu CMYK

a. Khái niệm

CMYK là từ viết tắt bằng tiếng Anh của cơ chế hệ màu trừ. Nó được sử dụng chủ yếu trong in ấn. Hệ màu CMYK bao gồm các màu sau:

  • C = Cyan (xanh lơ).
  • M = Magenta (hồng cánh sen).
  • Y = Yellow (vàng).
  • K = Black (đen).

Sở dĩ dùng ký tự “K” để chỉ màu đen mà không phải “B”, là bởi “B” là ký tự giao ước để chỉ màu xanh (Blue). Ngoài ra, K còn có ý nghĩa là Key - then chốt, chủ yếu.

b. Nguyên lý hoạt động

Nguyên lý của hệ màu CMYK là hấp thụ ánh sáng. Màu chúng ta nhìn thấy chính là từ phần ánh sáng không hấp thụ. Diễn giải cách khác, chúng hoạt động trên cơ chế vật không tự phát ra ánh sáng. Mà chỉ phản xạ ánh sáng từ các nguồn sáng chiếu tới.

Vậy nên, thay vì thêm độ sáng để có những màu sắc khác nhau. Hệ màu CMYK sẽ loại trừ ánh sáng từ màu trắng (ánh sáng gốc) để tạo ra những màu sắc khác. Mặt khác, 3 màu Cyan, Magenta và Yellow khi kết hợp cũng sẽ tạo ra màu đen.

c. Ứng dụng

Màu CMYK được dùng trong các thiết kế phục vụ cho mục đích in ấn. Ví dụ như poster, flyer, brochure, portfolio, name card, catalogue, sách và tạp chí, bộ nhận diện thương hiệu, bao bì, ...

1.3. Màu Pantone (PSM)

Bên cạnh hệ màu CMYK, màu Pantone được xem là màu sắc cơ bản thứ 5 dành cho ngành in ấn và thiết kế bao bì giấy.

a. Khái niệm

The Pantone Colour Matching System (PMS) là một hệ thống chuyên tái tạo màu tiêu chuẩn. Nó được định nghĩa là màu pha sẵn. Hoàn toàn khác biệt với các màu thường (Màu trong hệ màu CMYK). Các màu sắc này được nghiên cứu, tiêu chuẩn hóa với những thông số kỹ thuật trong pha chế, được đánh số cụ thể, cuối cùng được đưa vào hệ thống PMS.

b. Nguyên lý hoạt động

Bằng việc tiêu chuẩn hóa màu sắc với tên gọi bằng các mã số, những nhà sản xuất ở nhiều địa điểm, khâu làm việc khác nhau đều có thể tra cứu hệ thống Pantone. Nhờ đó, họ sẽ tạo ra hiệu ứng màu trùng khớp cho sản phẩm mà không cần bất cứ sự liên lạc trực tiếp nào.

Trong tên gọi các màu Pantone, bên cạnh mã số riêng thể hiện sắc độ. Phía sau nó còn có thông số gồm các chữ cái C, M, U nhằm thể hiện chính xác hiệu ứng và sự thay đổi màu sắc trên từng chất liệu giấy in.

c. Ứng dụng

Màu Pantone được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp:

  • In ấn bao bì.
  • Thiết kế thời trang: ngành nhuộm vải, nhuộm vật liệu.
  • Thiết kế công nghiệp: chế tạo vật liệu nhựa, sơn tĩnh điện bề mặt kim loại, sơn phun,...

Tuy nhiên, việc sử dụng hệ màu Pantone cũng bị giới bạn, bởi hệ thống Pantone chỉ có 300 màu mẫu. Hơn nữa, công nghệ sản xuất theo hệ màu Pantone sẽ có giá thành tương đối cao.

2. Một số lưu ý trong sử dụng các hệ màu CMYK và hệ màu RGB

Mỗi hệ màu RGB, CMYK hay Pantone đều được sinh ra để phục vụ cho những tiêu chuẩn khác nhau thuộc ngành thiết kế và in ấn. Tuy vậy, đối với những người mới làm quen hoặc còn ít kinh nghiệm, sự nhầm lẫn có thể gây khó khăn trong công việc. Digiart Academy có một số lưu ý dành cho bạn:

  • Nếu thiết kế liên quan đến hiển thị trên màn hình kỹ thuật số → Hãy sử dụng hệ màu RGB.
  • Nếu thiết kế chuyên dụng để tạo ra màu sắc trên giấy hoặc những vật thể hữu hình khác → Hãy sử dụng hệ màu CMYK.
  • Không nên sử dụng màu RGB cho các dự án in ấn, bởi sẽ có sự sai lệch màu sắc giữa việc hiển thị trên màn hình so với bản in.

he-mau-cmyk

Chúc bạn thành công. Hy vọng chia sẻ trên sẽ hữu ích với bạn!

>>> Xem thêm: Cách phối màu sắc đơn giản cho người mới bắt đầu <<<

>>> Xem thêm: 6 Loại Bảng Phối Màu Sắc Giúp Tổng Thể Hài Hòa Và Nổi bật <<<