KINH NGHIỆM

BỐ CỤC TRANH VẼ CƠ BẢN CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

  • 28/11/2022
  • 21140

Để có một tư duy thẩm mỹ tốt, hiểu về bố cục tranh vẽ là nền tảng không thể thiếu. Vậy, bố cục tranh vẽ là gì mà quan trọng đến vậy?

1. Bố cục tranh vẽ là gì?

Bố cục tranh vẽ là cách sắp xếp các yếu tố hội họa: đường nét, mảng, khối, màu sắc, sắc độ, … một cách có chủ đích, nhằm thể hiện ý đồ của người vẽ. Không như vật lí hay hóa học, hội họa thể hiện sự “cân bằng” tương đối thông qua bố cục. Một trong những yếu tố tạo nên bức tranh đẹp là đảm bảo sự cân bằng thị giác đó.

2. Tại sao chúng ta cần hiểu về bố cục tranh vẽ?

Nghệ thuật không ngừng phát triển, vì vậy một bức tranh đẹp luôn được khai thác ở nhiều góc cạnh khác nhau. Vẻ đẹp trong hội họa không phải là ngẫu nhiên mà phải được xây dựng dựa trên các hình thức bố cục hợp lí. Mỗi họa sĩ sẽ có cách xây dựng bố cục riêng tùy vào ý niệm và năng lực sáng tạo nghệ thuật.

Hiểu về bố cục tranh vẽ chính là một trong những nền tảng xây dựng tư duy thẩm mỹ tốt.

3. Các dạng bố cục cơ bản trong một bức tranh

Digiart Academy xin giới thiệu đến các một số dạng bố cục tranh vẽ cơ bản, phổ thông. Được áp dụng trong các tác phẩm tranh nổi tiếng của họa sĩ Việt Nam.

3.1. Bố cục tròn

Đây là dạng bố cục cơ bản nhất trong tranh vẽ. các yếu tố chính và phụ chuyển tiếp không liên tục với nhau, tạo thành một vòng tròn ước lệ. Dạng bố cục này tạo nên sự mềm mại, chuyển tiếp nhịp nhàng, thường được họa sĩ truyền tải những nội dung về ấm no đủ đầy.

Một số họa sĩ Việt Nam đã rất thành công trong việc sử dụng dạng bố cục này. Tiêu biểu có thể kể đến họa sĩ Lê Phổ với tác phẩm “Đời sống gia đình”. Đây cũng là bức tranh có giá công khai cao nhất của Việt Nam. Tác phẩm được bán với giá 1.172.080 USD tại nhà đấu giá Sotheby’s Hồng Kông vào ngày 2-4-2017.

bo-cuc-tranh-ve

Tác phẩm “Đời sống gia đình” của họa sĩ Lê Phổ với bố cục tròn

3.2. Bố cục tam giác

Bố cục tam giác còn có tên khác là bố cục tháp. Dạng bố cục tranh vẽ này tạo ý niệm về sự chắc chắn, vững chãi.

Trong các tác phẩm nghệ thuật, nhiều họa sĩ Việt Nam đã sử dụng hiệu quả loại bố cục này. Có thể kể đến những cái tên nổi tiếng như họa sĩ Tô Ngọc Vân với tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé”, Nguyễn Phan Chánh với tác phẩm “Xem bói”, …

Tác phẩm “Xem bói” của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh với bố cục tam giác

3.3. Bố cục tứ giác

Đây là dạng bố cục tranh vẽ ngay ngắn, mang ý niệm tĩnh lặng, nghiêm chỉnh. Bố cục tứ giác thường được bắt gặp với các loại đề tài đề cao tính tổ chức xã hội con người, tính nhân văn cộng đồng.

Các họa sĩ Việt Nam cũng có nhiều bức tranh đẹp và thành công với bố cục theo hình tứ giác như tranh sơn dầu “Bình dân học vụ” của Lưu Công Nhân, “Đánh bi” của Nguyễn Phàm, “Điệu múa cổ” của Nguyễn Tư Nghiêm, …

Tác phẩm “Bình dân học vụ” với bố cục tứ giác

3.4. Bố cục nhịp điệu

Bố cục nhịp điệu thể hiện sự trùng lặp thông qua các yếu tố lặp đi lặp lại hoặc sự uốn lượn của màu sắc, hình khối một cách liên tục. Chúng mang lại cảm giác chủ thể không đứng yên mà luôn luôn vận động nhịp nhàng.

Tác phẩm “Thiếu nữ bên hoa huệ” được họa sĩ Tô Ngọc Vân sáng tác năm 1943 bằng chất liệu sơn dầu là bức tranh điển hình cho bố cục nhịp điệu chặt chẽ, hoàn hảo.

bo-cuc-tranh-ve

Tác phẩm “Thiếu nữ bên hoa huệ”  của họa sĩ Tô Ngọc Vân với bố cục nhịp điệu

3.5. Bố cục đối lập

Sự đối đối lập trong bố cục tranh vẽ này có thể đến từ cặp đối lập như ngang dọc, cao thấp, to nhỏ, dài gắn, đen trắng, … Mục đích của chúng là làm nổi bật lên yếu tố chính của bức tranh thông qua sự tương phản về một hoặc nhiều yếu tố.

Họa sĩ Nguyễn Thụ đã ứng dụng dạng bố cục này vào tác phẩm “Phong cảnh mưa”. Sự trơ trọi đơn lẻ của hàng cây đối lập với sự kết nối che chở của gia đình người chiến sĩ.

bo-cuc-tranh-ve

Tác phẩm “Phong cảnh mưa” của họa sĩ Nguyễn Thụ với bố cục đối lập

4. Phương pháp xây dựng bố cục tranh vẽ

Để có một bức tranh có bố cục tốt, chúng ta cần có các bước theo thứ tự sau:

  • Chọn nội dung chủ đề, ý niệm sẽ xuất hiện trong tranh vẽ.
  • Tìm hiểu, xây dựng các yếu tố hình thành bố cục.
  • Lựa chọn hình thức bố cục.
  • Phác thảo.
  • Thể hiện hoàn chỉnh bức tranh.

Tạm kết:

Mong những kiến thức trên sẽ có ích cho bạn. Đừng chỉ dừng lại ở việc hiểu, chúng ta cần thực hành áp dụng bố cục vào tác phẩm của bản thân để có thể tiến bộ hơn từng ngày.

Digiart Academy - Nơi cung cấp kiến thức và hỗ trợ vẽ đồ họa hiệu quả!

THAM KHẢO CÁC KHÓA HỌC VẼ TẠI ĐÂY!